Chính vì sự thành công của văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản, vấn đề này luôn tạo được sức hấp dẫn và có một tầm quan trọng đáng kể với các nhà quản lý trên khắp thế giới, do đó vấn đề áp dụng văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản sang các nước khác là các vấn đề rất đáng để nghiên cứu. Tuy nhiên, về vấn đề tính khả thi của việc áp dụng văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản vào các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có những điều chúng ta phải lưu ý. Các chuyên gia đều cho rằng việc chuyển giao VHDN của Nhật là rất khó khăn bởi VHDN được hình thành trên cơ sở văn hóa. Mặt khác, những truyền thống, giá trị văn hóa, thẩm mỹ… vốn được coi là rất đặc biệt của Nhật Bản lại đều bắt nguồn từ quá khứ phong phú, lịch sử lâu đời của quốc gia này và những người thuộc nền văn hóa khác không tránh khỏi những khó khăn khi tiếp cận. Tuy nhiên Việt Nam là một quốc gia có vị trí chiến lược, sớm có sự tiếp thu và giao thoa giữa các nền văn hóa, lịch sử đã chứng minh Việt Nam là một quốc gia biết chọn lọc các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc khác mà vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời. Việc ứng dụng mỗi vấn đề của VHDN Nhật Bản vào các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cần nhìn nhận những hệ thống tương tác, tương hỗ cho những ứng dụng ấy. Tuy nhiên, cơ bản là chúng dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống có nhiều tương đồng xét về xã hội, cộng đồng và tổ chức.
Chúng ta có thể nghiên cứu việc ứng dụng chế độ làm việc suốt đời – một trong các yếu tố đặc trưng nhất của VHDN Nhật Bản để từ đó có cách hình dung rõ ràng cho việc ứng dụng các yếu tố còn lại. Sự thành công hay thất bại của tập quán quản lý luôn phụ thuộc vào sự thẩm thấu của các "yếu tố điều hoà" ở bên trong và bên ngoài công ty, những yếu tố này bắt nguồn từ ba cấp độ: mặt xã hội, cộng đồng và công ty. Sự tương tác giữa các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng chế độ làm việc suốt đời được mô tả một cách rõ nét trong minh họa dưới đây Qua đó nhận thấy về mặt xã hội ở Nhật bản, những mối ràng buộc vững chắc và lâu dài với các nhóm đã hình thành và phát triển nhờ sự tin cậy vào gia đình. Hơn nữa, trách nhiệm nặng nề của bổn phận giúp đỡ nhau trong xã hội đòi hỏi phải có những mối quan hệ lâu dài và thân hữu. Cuối cùng, lòng nhiệt tình muốn hòa nhập công việc với đời sống cá nhân của người Nhật Bản đã góp phần tạo ra sự hỗ trợ vững chắc, sự ủng hộ mạnh mẽ với hình thức tuyển dụng suốt đời. Về mặt cộng đồng thì xã hội Nhật Bản là một cộng đồng tương đối có trật tự. Mô hình tuyển nhận lao động mỗi năm một lần đã tạo ra luồng sinh khí ổn định và lâu bền cho việc sắp xếp công ăn việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều cộng đồng vẫn còn thiếu một cơ sở hạ tầng thỏa đáng về các phương tiện giải trí.
Đương nhiên, người lao động coi hoạt động của công ty là hoạt động xã hội của họ. Một câu hỏi đặt ra là việc áp dụng VHDN Nhật Bản đã từng được áp dụng tại Mỹ nhưng đã đi đến những thất bại, vậy có lý do gì VHDN Nhật Bản sẽ có khả năng ứng dụng thành công ở Việt Nam. Qua mô hình trên ta có thể thấy các hệ thống tương tác hỗ trợ không có yếu tố nào phù hợp với Mỹ về cả mặt xã hội, cộng đồng hay tổ chức Việc khác biệt về văn hóa truyền thống, cá quan niệm giá trị đạo đức khiến việc áp dụng VHDN Nhật Bản ở các quốc gia khác là điều hết sức khó khăn. Với những sự tương đồng của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng những nét đẹp của VHDN Nhật Bản vào các doanh nghiệp của mình, tuy nhiên chúng ta không áp dụng y nguyên hay áp dụng mô hình ấy một cách thụ động. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chọn lựa những giá trị nào phù hợp với giá trị mà mình đang có.