Cùng với việc giải quyết việc làm trong nước, hoạt động xuất khẩu lao động có vị trí quan trọng. Nó là hoạt động đặc thù nhằm đạt kết quả tổng hợp về kinh tế xã hội. Nhà nước ta đã xác định : “Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách và góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế – văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam với các nước sử dụng lao động Việt Nam.
Các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thị trường lao động khu vực và quốc tế đều nhận thấy một điều nổi bật, rõ ràng là: Một số nước công nghiệp phát triển cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia… lẫn một số nước mới phát triển như Thailand, Malaisia, Philipine… ngay từ đầu, khi nền kinh tế còn chưa phát triển đều biết sử dụng một phương tiện đầy hiệu quả, đó là xuất khẩu lao động. Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), khoản thu nhập của người lao đông của nước ngoài mỗi năm đạt tới 65,5 USD, trong khi đó hàng năm tổng các khoản viện trợ chính thức (ODA) chỉ đạt mức 51 tỷ USD. Người đi làm việc ở nước ngoài thường có mức thu nhập bình quân cao hơn trong nước từ 6 đến 10 lần. Chênh lệch về thu nhập là nguyên nhân khiến nhiều nước tận dụng mọi thời cơ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tại Việt Nam cùng với việc chuyển sang nền kinh tế thị trường, trong hơn 10 năm (1991 – hết tháng 6/2003) theo cơ chế mới đã đưa được gần 250.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đem lại thu nhập hàng năm 1 -1,5 tỷ USD. Tuy còn khiêm tốn trên thị trường lao động thế giới nhưng về mặt kinh tế đã góp phần đáng kể làm tăng trưởng ngân sách quốc gia, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần giải quyết việc làm trong nước giữa hoàn cảnh nước ta còn đang chắt chiu từng đồng ngoại tệ mạnh. Có thể sử dụng một so sánh : Để có được 800 triệu USD do xuất khẩu hàng dệt may chúng ta phải đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất, xây dựng nhà máy, trang bị máy móc thiết bị, đảm bảo cơ sở hạ tầng… Nhưng với gần 20.000 lao động xuất khẩu hàng năm, chúng ta thu được lượng ngoại tệ gần gấp đôi mà số vốn đầu tư lại ít hơn nhiều lần.
Về lâu dài xuất khẩu lao động nước ta có khả năng đóng góp cao cho thu nhập quốc dân khi phạm vi xuất khẩu lao động được mở rộng, số lượng người đưa đi lớn, ngành nghề hình thức đa dạng, chính sách và thủ tục đưa lao động đi thông thoáng.