Shopping Cart 0 items - $0.00 0

Một số kinh nghiệm làm thêm của sinh viên từ việc kinh doanh nhỏ

Sinh viên Việt Nam hiện nay có thể nói đã khá năng động hơn so với những thế hệ đi trước. Sự năng động ấy đôi khi biểu hiện qua những công việc rất nhỏ bé nhưng hiệu quả. Có những bạn sinh viên lựa chọn công việc kinh doanh vào những dịp lễ hội như 8/3, 20/10, 20/11…. Vào thời điểm này, đảo qua các trường, mọi ngả đường đều có hàng hoa sinh viên. Hoa đẹp, lại do sinh viên bán nên khá là rẻ. Hoặc dịp đầu năm học, chúng ta có thể thấy những tốp sinh viên vào tận giảng đường, ký túc xá bán sách với giá rẻ hơn bên ngoài rất nhiều. Những hoạt động buôn bán này thường cần số đông để có vốn (bởi sinh viên ít vốn) và cần có cộng sự giúp sức. 

Thông qua những hoạt động này, tinh thần làm việc nhóm cũng tăng lên đáng kể, va chạm và tiếp xúc nhiều tạo cho sinh viên một phong thái tự tin, cởi mở khi tiếp xúc. Mặt khác, thị trường chủ yếu là sinh viên nên những "nhà kinh doanh trẻ" này rất hiểu tâm lý và biết cách chiều khách hàng bằng nhiều hình thức như thái độ phục vụ hay khuyến mãi giảm giá. Để có hàng hoá và thu được chênh lệch cao, sinh viên phải về tận gốc những nơi cung cấp để mua hàng, lấy công làm lãi. Như buôn hoa, sinh viên phải về tận Vĩnh Phúc, Ngọc Hà… đặt mua và học luôn cách bó hoa, trang trí. Những bạn đi bán đồ gốm, lưu niệm thì phải lặn lội về Bát Tràng, Hương Canh, Đông Triều… để lấy hàng. Rủi ro có thể gặp phải như tai nạn, mất hàng, vỡ hàng, hỏng hàng không nhỏ. Kiểu kinh doanh này sẽ cho sinh viên khả năng quan sát và thực tế hơn, biết cách tính toán, biết chi tiêu hơn. Khó khăn gặp phải không ít nhưng nó sẽ giúp các bạn thấy tự tin hơn (1). Hai bạn Hà và Minh (tại một trường ở Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Khi đi "cất hàng" ở chợ Đồng Xuân, người bán hàng biết là sinh viên gắt lên không bán lẻ. Lại phải trổ tài "diễn thuyết": cháu cũng "dân buôn" mới lấy được hàng. Hà kể: "Người bán hàng cũng giảm giá hơn khi thấy bộ dạng tất bật và sự tính toán mà theo họ là "cò con" vì sinh viên vốn ít, hàng mua cũng đơn giản"(2). Khi được hỏi "kinh doanh như thế thì học vào đâu?" Hà nở nụ cười rất duyên khẳng định: "Phải biết hài hoà chứ. Kinh doanh cũng là học mà". Hà luôn đứng trong "top five" về học tập của lớp. Còn Minh thì cho biết: "Trước đây với số tiền bố mẹ gửi, mình mua cái này thì phải nhịn cái kia. Từ khi bán hàng, có thêm được một khoản để mình mua sách tham khảo, rồi cũng sắm được một số đồ dùng cá nhân nữa". Hai cô còn đang dự định sẽ làm "hàng xén trong cặp sách" với các loại đa dạng nhỏ gọn lúc nào cũng có thể cung cấp ngay tức thì: bút, giấy, băng dính Hồng Lê (bạn cùng ký túc xá của Hà và Minh) nói: "Các bạn bán những thứ nhu yếu phẩm không thể thiếu trong đời thường, bọn em còn dặn nếu có thêm khăn mùi xoa, găng tay, dây buộc tóc thì bọn em sẽ mua. Mua của bạn mình bán vừa tiện lại vừa rẻ hơn dù chỉ là vài trăm đồng. Các bạn ấy cũng phải học như bọn em nhưng thật là năng động". Gần đây, một công việc đang được sinh viên ưa chuộng đó là làm nhân viên Marketing. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã sử dụng một lượng lớn học sinh, sinh viên làm cộng tác viên. Nhiều trung tâm ngoại ngữ đã tuyển đội ngũ tư vấn viên rất đông đảo, toả đi khắp các khu vực. Nhiệm vụ của họ không chỉ là giới thiệu về trung tâm của mình mà còn khuyến khích để học viên đến học ở trung tâm với nhiều hình thức giảm giá, quà tặng hấp dẫn…. Hãng mỹ phẩm oriflame, hãng điện thoại S-Fone hay hãng Unilever cũng đã có một lượng lớn nhân viên bán hàng là sinh viên. Doanh thu bán hàng thu được từ lực lượng này cũng không hề nhỏ. Làm việc kiểu này mất khoảng 2-3 tiếng/ngày, thậm chí 3-5 tiếng/ngày.

Tuy nhiên đây là công việc mang lại cho số đông sinh viên sự năng động, nhanh nhẹn, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Và đặc biệt là "tài" ăn nói, thuyết phục – một ưu thế không nhỏ khi đi tuyển dụng sau này.