Để quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế được diễn ra nhanh chóng, đạt hiệu quả cao trong những năm tới thiết nghĩ cần phải có một số tiền đề, điều kiện cơ bản sau:
Một là:Xây dựng kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, nơi nào có giao thông phát triển, điện hệ thống thông tin liên lạc được quan tâm thì vùng đó, nơi đó kinh tế hàng hoá phát triển mạnh. Do điều kiện tự nhiên Thanh Hoá là một tỉnh đất rộng, người đông, địa hình tự nhiên bị chia cắt thành nhiều vùng, miền khác nhau bởi hệ thống sông núi chạy ngang dọc. Vì vậy việc đi lại của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chêng lệch giữa các vùng miền trong tỉnh là rất lớn. Do vậy để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo phương hướng đã đề ra cần phải có sự ưu tiên đầu tư và tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh, trước hết là đầu tư các công trình giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện trạm xá… Mở rộng giao lưu buôn bán với bên ngoài bằng đường biển (qua cảng Nghi Sơn) và đường bộ (thông qua cửa khẩu NaMèo giữa Thanh Hoá và Hủa Phăn – Lào)
Hai là:Vốn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Muốn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần phải có nguồn lực cho phát triển, mà trong đó quan trọng nhất là vốn, mọi phương án sẽ không khả thi khi không có nguồn vốn cho đầu tư. Vì vậy đây là điều kiện cơ bản tạo ra sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi Thanh Hoá trong những năm tới phải huy động được từ 4000 – 5000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển ( từ 35-40 % GDP của tỉnh). Vì vậy, một mặt cần huy động mọi nguồn vốn của dân, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, trong đó phải xác định nguồn nội lực trong tỉnh là quan trọng quyết định nhất. Mặt khác trong việc sử dụng vốn cần xác định đầu tư có trọng điểm vào các ngành chủ lực của tỉnh để tạo đà cho phát triển, tránh đầu tư tràn lan không hiệu quả. Tập trung đầu tư khai thác các thế mạnh khả năng của tỉnh, hình thành các khu công nghiệp tập trung gắn với các vùng kinh tế động lực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.
Ba là:Phải có sự tác động của kinh tế nhà nước.
Để Thanh Hoá phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, tránh tụt hậu thì một điều không thể thiếu đó là sự tác động về kinh tế của nhà nước cả về mặt kinh tế cũng như cơ chế chính sách, luật pháp cho sự phát triển, đặc biệt là về mặt cơ chế chính sách. Thực tiễn ở Thanh Hoá những năm qua, nếu tỉnh có chính sách đúng, hợp lòng dân thì sẽ khai thác được nội lực đẩy nhanh tốc độ phát triển. Nổi bật nhất là chính sách đổi điền dồn thửa được đông đảo bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng, Mặt khác Thanh Hoá là một tỉnh rộng, người đông, điểm xuất phát thấp về kinh tế, do vậy đòi hỏi nhà nước cũng cần có sự ưu tiên đầu tư cho Thanh Hoá. Có như vậy mới tạo cho Thanh Hoá có thế và lực để đi lên.
Bốn là:Vai trò tác động của công nghiệp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nói đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thể không nói đến vai trò tác động của công nghiệp, phát triển công nghiệp là chiếc chìa khoá vàng để Thanh Hoá chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Thực tiễn những năm đổi mới, Thanh Hoá đã có nhiều mô hình trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả, trong đó mô hình hợp tác mới của hiệp hội mía đường Lam Sơn là một ví dụ điển hình. Trong những năm tới, vai trò tác động của công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, công nghiệp gia công hàng xuất khẩu, công nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ là những ngành công nghiệp quan trọng tạo tiền đề và điều kiện để Thanh Hoá đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.