Shopping Cart 0 items - $0.00 0

Độ tuổi được phép nhận làm việc

Vấn đề lao động trẻ em đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Sắc lệnh số 29/SL ngày 12 tháng 3 năm 1947 cấm các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ và thương điếm thuê mướn trẻ con dưới 12 tuổi, đồng thời nghiêm cấm sử dụng trẻ em trai dưới 15 tuổi và phụ nữ làm việc dưới hầm mỏ và trong những xưởng kỹ nghệ có hại cho sức khỏe hay nguy hiểm mà Nhà nước đã qui định. Tuy những qui định này còn sơ khai nhưng đã thể hiện sự quan tâm của pháp luật Việt nam đối với vấn đề lao động trẻ em, góp phần bảo vệ trẻ em và làm cơ sở để hoàn thiện các chính sách và pháp luật liên quan đến lao động trẻ em sau này.

Các văn bản pháp luật lao động trước khi Bộ luật Lao động được ban hành như Pháp lệnh Hợp đồng lao động ngày 30 tháng 8 năm 1990 của Hội đồng Nhà nước đã qui định chỉ những người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên mới được quyền giao kết hợp đồng lao động. Người dưới 15 tuổi cũng có thể giao kết hợp đồng lao động để làm những công việc mà pháp luật cho phép, nhưng phải có sự đồng ý của cha mẹ, hoặc người đại diện hợp pháp khác. Như vậy, độ tuổi trẻ em được phép nhận vào làm việc đã tăng từ 12 lên 15 tuổi.

Bộ Luật Lao động của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được ban hành ngày 23 tháng 6 năm 1994 và có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 1995 là một bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ người lao động có quan hệ lao động trong quá trình lao động, trong đó có lao động trẻ em. Bộ Luật quy định độ tuổi tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi.

Quy định 15 tuổi là tuổi tối thiểu được nhận vào làm việc xuất phát từ thực tế ở Việt Nam là ở độ tuổi đó trẻ em kết thúc phổ thông trung học cơ sở mà phần đông sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở các em không đi học nữa.

Đối với một số công việc độ tuổi này được nâng lên 18 như qui định đối với những người lao động được phép làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (điều 1 Nghị định số 85/1998/NĐ-CP); làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar (thông tư số 04/LĐTBXH-TT); và một số công việc và trong điều kiện làm việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm (thông tư số  09/LB-TT).

Các Luật khác của Việt Nam như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan đều có những qui định về nghĩa vụ và quyền lợi của trẻ em  phù hợp với độ tuổi được nhận vào làm việc qui định trong pháp luật lao động.