Trong những băn khoăn toan tính về phát triển kinh tế, phải kể đến việc “xuất khẩu lao động”. Và trước hết, ít ra cần phải tạm thời giải quyết được phần nào tình trạng thất nghiệp của nước nhà, nhằm giảm bớt đi tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”, từ đó làm giảm thiểu những tệ nạn trong xã hội. Mặt khác, như đã nói trên,xuất khẩu lao động là một diễn biến kinh tế rất bình thường. Tại Châu Âu cũng đã từng xảy ra trước đây : Sau trân Thế chiến II, tuy nước Ðức bị thua trận và bị bom đạn đồng minh phá tan tành, nhưng nhờ chương trình viện trợ kinh tế Marchal của Hoa Kỳ, nhất là nhờ có tiềm năng kinh tế sẵn có, ý chí sắt đá của người dân và có được các nhà lãnh đạo tài ba và liêm khiết, mà điển hình nhất là : thủ tướng Konrad Adenauer, bộ trưởng kinh tế Ludwig Erhard, v.v…, những người đã “làm phép lạ kinh tế” tại Ðức, và vì thế hàng triệu nhân công từ các nước nghèo khác như Ý, Tân Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Nam Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, đã đổ xô vào Ðức kiếm công ăn việc làm. Và dĩ nhiên hoàn cảnh sống cụ thể xưa kia của những công nhân ngoại kiều này không hề may mắn hơn. Tuy thiếu thốn vất vả, nhưng so với tình trạng đói khổ ở quê hương họ lúc bấy giờ, cảnh sống “ăn nhờ ở đậu” tại Ðức vẫn tốt hơn gấp bội. Họ cũng đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế thịnh vượng nước Ðức cũng như nền kinh tế phồn thịnh của quê hương họ mà chúng ta chứng kiến ngày nay. Giữa hai lựa chọn- hoặc ở nhà để nhìn cả gia đình và quê hương đói khổ hay đi làm kinh tế ở nước ngoài dù cơ cực, vất vả, nhưng ít nhất còn có chút điều kiện để cải thiện được phần nào đời sống gia đình, và qua đó phát triển nền kinh tế quê hương – đương nhiên chúng ta sẽ chọn cái có lợi hơn. Ðể chờ một ngày không xa sau đó, khi nền kinh tế ở trong nước đã ổn định và tiến cao, bấy giờ lực lượng lao động không cần phải xuất khẩu nữa.