Trên thực tế, các trường chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn quá ít, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các cụm, khu công nghiệp của tỉnh trong hiện tại và trong giai đoạn 2008 – 2010 và nhất là giai đoạn 2010 – 2015 khả năng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp Du Long và Phước Nam là rất lớn; do vậy, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, bao gồm cả các trường Đại học đa ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhằm chuẩn bị một nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và cung cấp cho các cụm, khu công nghiệp của tỉnh nói riêng là hết sức cấp bách và quan trọng; do đó, trong giai đoạn 2008 – 2015 cần được quy hoạch các trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề theo hướng như sau:
– Đầu tư và mở rộng các cơ sở đào tạo hiện có
Trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh cần được nâng cấp, mở rộng, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất và đầu tư theo hướng hiện đại, đủ số lượng phòng học, phòng chức năng, khu nghiên cứu và thực nghiệm, thành lập trường thực hành sư phạm với quy mô khoảng 500 – 700 học sinh trung học cơ sở, tuyển dụng giáo viên giỏi vào công tác tại trường. Tăng quy mô đào tạo hiện nay từ 500 học sinh – sinh viên lên 1.200 học sinh – sinh viên vào năm 2010 và 1.500 học sinh – sinh viên vào năm 2015; thành lập đủ các khoa và mở mã ngành để đào tạo không những các ngành sư phạm mà còn đào tạo các ngành công nghệ thông tin, ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, tiếng Hàn v.v cần được triển khai để đào tạo cho những lao động có nhu cầu làm việc trong các khu công nghiệp của tỉnh, không những thuận lợi trong giao tiếp với chủ doanh nghiệp mà còn tiếp cận với công nghệ mới do các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật đầu tư vào các Khu Công nghiệp của tỉnh.
– Phát triển mạng luới các trường chuyên nghiệp:
Căn cứ Nghị quyết Tỉnh Đảng Bộ lần thứ XI thì việc quy hoạch mạng lưới hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã và đang được nghiên cứu và trình phương án đầu tư, việc sớm đầu tư và thành lập Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận là một đòi hỏi khách quan, theo kế hoạch đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận thì Đề án thành lập Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình Thủ tướng xem xét phê duyệt thành lập trong Quý IV/2008, dự kiến tuyển sinh vào năm học 2009 – 2010 và đào tạo đa ngành (Kinh tế nông lâm, Nông học, Lâm nghiệp, Chăn nuôi, Kế toán, Công nghệ thông tin, khuyến nông v.v). Theo kế hoạch thì đến năm học 2012 – 2013 sẽ nâng cấp Phân hiệu thành Trường Đại học Ninh Thuận, quy mô khoảng 5.000 sinh viên.
Cần xúc tiến xây dựng trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật và hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2010 với quy mô từ 1.000 – 1.500 sinh viên/năm để đào tạo và cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho các ngành kinh tế của tỉnh và các Khu Công nghiệp trong giai đoạn 2010 – 2015, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong tuyển dụng nguồn nhân lực có tay nghề tại địa phương.
Song song với trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật thì cần ưu tiên vốn đầu tư xây dựng trường Trung cấp Y tế với quy mô đào tạo 500 học sinh/năm và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2009 để đào tạo cán bộ y tế cung cấp cho tuyến huyện và xã, nhất là cán bộ y tế cho các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi, vùng xa xôi, hẻo lánh trong tỉnh; tăng cường tuyến y tế cơ sở để thực hiện tốt y tế dự phòng và thực hiện tốt công tác dân số trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.