Về điểm số yêu cầu của các trường đại học
IELTS: Để được nhận vào các trường đại học, bạn thường phải đạt điểm trên 5.5 cho mỗi kỹ năng và tổng điểm trung bình trên 6.0, yêu cầu của bậc Sau đại học sẽ là 6.0 và 6.5. Đối với những ngành học cần nhiều khả năng viết như Báo chí, Truyền thông, có thể bạn sẽ được yêu cầu phải đạt điểm cao hơn. Vì vậy, bạn cần liên hệ với trường để nắm được yêu cầu chi tiết.
TOEFL: Hầu hết các trường đại học đều yêu cầu thang điểm từ 500 đến 550 cho bậc Cử nhân, và từ 550 đến 600 cho bậc Sau cử nhân. Tuy nhiên, cũng như IELTS, bạn cần phải liên hệ nhà trường để biết điều kiện chính xác của ngành học.
Những tiêu chí sẽ quyết định lựa chọn của bạn
Yêu cầu của trường đại học có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất quyết định bài kiểm tra mà bạn nên lựa chọn thi tuyển. Điều này thường được ghi rõ trong điều kiện tuyển sinh đầu vào trên các trang web của các trường tuyển sinh.
Nếu chưa “cho vào tầm ngắm” một trường nhất định, cụ thể nào, bạn có thể lựa chọn theo điểm đến. Các trường ở Anh đã không còn chấp nhận TOEFL và TOEIC, nhưng nhiều trường đại học ở Mỹ vẫn chấp thuận IELTS, quan trọng là bạn phải biết lựa chọn bài kiểm tra “lợi” cho mình nhất.
Cuối cùng, sở trường của bản thân cũng là một yếu tố tiên quyết, nhất là khi những “đối tượng” trường học hay điểm đến đang ở trong tầm ngắm chấp thuận cả hai bài kiếm tra một lúc. Nếu bạn sành sỏi giọng Anh – Anh hơn giọng Anh – Mỹ thì bài thi IETLS có thể là lợi thế, trong khi TOEFL iBT hẳn là bất lợi, nhất là đối với bài thi nghe hay nói. Những dạng câu hỏi cũng là một vấn đề. Nếu những dạng câu trắc nghiệm trong bài thi TOEFL đòi hỏi sự suy luận và khả năng tưởng tượng thì bài thi IELTS lại yêu cầu trí nhớ và việc để ý tới những chi tiết nhỏ trong các câu hỏi dạng tự luận. Ở bài thi TOEFL, chỉ có đúng hoặc sai, nhưng ở IETLS còn có lựa chọn “thông tin không được nhắc đến”. Như vậy, IELTS và TOEFL tuy có cùng mục đích nhưng cách thức đánh giá lại khác nhau, và sự tương thích của mỗi người với từng bài kiểm tra cũng khác nhau.