Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội:làm chuyển biến nhận thức của mọi người dân về vị trí và vai trò của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cũng như đối với việc làm và sự ổn định phát triển của mỗi người, mỗi gia đình. Duy trì các hoạt động thi tay nghề, thi thầy giỏi, trò giỏi, thợ giỏi. Tôn vinh về giá trị xã hội đối với người có "bàn tay vàng", đối với các nghệ nhân… tạo phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực đào tạo nghề. Các cấp chính quyền cần phối hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng phong trào thanh niên học nghề, lập nghiệp; với hội Phụ nữ về đào tạo nghề cho phụ nữ; với Liên đoàn lao động về tổ chức phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi; với Hội khuyến học nhằm đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề trong mọi tầng lớp dân cư.
Thứ hai, huy động ngân sách cho công tác đào tạo nghề:tăng ngân sách cho đào tạo nghề bằng huy động từ nhiều nguồn: ngân sách Nhà nước cấp, các nguồn hợp tác quốc tế thông qua các dự án hỗ trợ và vay vốn, các doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp cho đào tạo nghề, các nguồn đầu tư của tổ chức trong và ngoài nước, huy động đóng góp của cá nhân và gia đìnhngười học… Đổi mới cơ chế cấp, phát quản lý và sử dụng ngân sách theo hướngngân sách cho đào tạo nghề được phân bổ trực tiếp đến các cơ sở dạy nghề.
Thứ ba, đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo nghề:phải thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin mới, nâng dần nội dung chương trình giảng dạy, chất lượng nguồn nhân lực lên ngang các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào hay xuất khẩu lao động sang các nước khác ngày càng nghiêng về lao động được đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Ngoài ra, còn phải chú ý đến khâu thực hành, ứng dụng, giáo dục kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp, rèn luyện kỹ năng và những khả năng thích ứng của người lao động với những đặc điểm của nền kinh tế thị trường. Đặc biệt cần có nội dung, chương trình đào tạo riêng phù hợp cho những đối tượng tham gia xuất khẩu lao động như ngoại ngữ, chuyên môn kỹ thuật, những kiến thức về kỷ luật lao động của doanh nghiệp nước sẽ đến.
Thứ tư, mở rộng quy mô và các hình thức đào tạo nghề.
– Hệ thống đào tạo nghề bao gồm tất cả các cơ sở dạy nghề thuộc loại hình: công lập, bán công, dân lập, tư thục chịu sự quản lý của Nhà nước. Hệ thống đào tạo nghề bao gồm:
+ Các trung tâm dạy nghề do chính quyền địa phương, cơ sở, các tổ chức đoàn thể xã hội thành lập để đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động.
+ Đào tạo nghề tại các doanh nghiệp.
+ Các cơ sở, lớp đào tạo nghề tư nhân.
+ Các trường đào tạo nghề chính quy của Nhà nước.
+ Đào tạo nghề thông qua hợp tác quốc tế.
– Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề: ngoài đào tạo tập trung, chính quy cần coi trọng các hình thức đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, đào tạo lại, đào tạo ngoài giờ, kèm cặp tại các cơ sở sản xuất. Khuyến khích các nghệ nhân, thợ cả mở lớp dạy nghề theo phương pháp truyền nghề trực tiếp.
Thứ năm, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo nghề:củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo nghề. Tăng cường quản lý đối với các cơ sở đào tạo nghề, nắm chắc đối tượng quản lý, nội dung quản lý, kế hoạch hóa công tác đào tạo hàng năm và dài hạn. Cần tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra về thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, quy chế chuyên môn, quy chế thi cử, cấp văn bằng chứng chỉ, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề.
Thứ sáu,Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng và thường xuyên chăm lo đến đời sống của đội ngũ giáo viên và những người đã qua đào tạo; cải tiến chế độ tiền lương, phụ cấp và nâng cao vị trí xã hội của người dạy nghề, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ này phát huy hết khả năng chuyên môn, không ngừng phấn đấu vươn lên đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.