Hiệp hội XKLĐ sau một đợt khảo sát các địa phương cũng phải thừa nhận rằng có tình trạng “loạn, nhiễu” thông tin do các DN cạnh tranh không lành mạnh, mỗi DN một giá, một thông tin thị trường khiến cho địa phương và người lao động “tẩu hỏa nhập ma”. Trong khi nhà nước hàng năm công bố danh sách các DN xuất khẩu hàng hoá uy tín, rồi có hàng loạt các Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Top 50 DN ngành dệt may uy tín hay 100 DN Việt Nam tiêu biểu thì chúng ta chẳng thấy có một chương trình nào công bố những DN trong lĩnh vực XKLĐ uy tín, có trách nhiệm với người lao động để “chọn mặt giữ vàng”. XKLĐ là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến con người, cần những DN có thương hiệu”. Rõ ràng việc xếp hạng DN là điều nên làm một cách thực sự bởi ngay từ năm 2001 Thủ tướng Chính phủ cũng từng giao Bộ LĐTBXH thực hiện đề án đổi mới, chấn chỉnh, sắp xếp DN hoạt động XKLĐ trong đó đã đề cập đến hoạt động xếp hạng doanh nghiệp mạnh. Từ năm 2006, Hiệp hội XKLĐ dựa trên báo cáo số lao động đưa đi hàng năm của các DN đã có một bảng thống kê “Top” 20 DN mạnh. Việc thống kê về con số này ít nhất cũng đã phần nào phân loại DN làm được và DN còn yếu kém song theo các DN chỉ xếp hạng về số lượng là chưa đủ. Việc xếp hạng DN sẽ thúc đẩy các DN phát triển, cạnh tranh lành mạnh với nhau bởi bảng xếp hạng cũng là “tấm gương” để DN “soi mình”. Số lượng là một tiêu chí quan trọng khẳng định năng lực của DN nhưng những yếu tố khác cũng quan trọng không kém như tỷ lệ lao động phải về nước trước hạn, tỷ lệ lao động gặp rủi ro, việc xử lý các sự cố phát sinh liên quan đến người lao động khi làm việc ở nước ngoài. Một DN hoạt động XKLĐ bài bản sẽ không làm bằng “mọi giá” mà phải đảm bảo lời hứa với người lao động thì mới tồn tại lâu dài được. Bộ LĐTBXH là cơ quan có trách nhiệm xếp hạng các doanh nghiệp, thế nhưng khi trao đổi với lãnh đạo Bộ thì được biết câu chuyện xếp hạng DN cũng chỉ là …ý tưởng, chưa hề được sắp xếp một cách có quy củ. Nếu xếp hạng được DN cũng sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước được tốt hơn, các chính sách hỗ trợ công tác XKLĐ như mở thị trường, “hậu” XKLĐ…sẽ được triển khai có hiệu quả hơn.