Ngày nay, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế đất nước nhất là khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào các sân chơi chung của thế giới, đặc biệt là trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO, điều đó đặt ra những yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam làm sao để có thể đứng vững và dần dần nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp cần phải xây dựng VHDN cho mình bởi chỉ có VHDN mạnh thì các doanh nghiệp Việt Nam mới tạo được sự khác biệt, tạo ra thế mạnh khi được mang ra so sánh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong quá trình phát triển, mỗi doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng một hệ thống quan điểm giá trị để công nhân viên chức chấp nhận, tạo ra sự hài hòa trong nội bộ doanh nghiệp, một không khí văn hóa tích cực để phát huy thế mạnh văn hóa của tập thể, tăng cường nội lực và sức mạnh của doanh nghiệp.
VHDN là một giai đoạn phát triển của tư tưởng quản lý doanh nghiệp hiện đại, thể hiện sự chuyển dịch chiến lược phát triển kỹ thuật nhằm tạo nên những sản phẩm hàm chứa hàm lượng văn hóa cao. Bởi thế, có thể coi VHDN là yếu tố tối quan trọng của thực tiễn doanh nghiệp đương đại. Tuy nhiên có hai vấn đề đặt ra cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đó là tính hai mặt của một vấn đề, bởi không phải VHDN nào cũng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Nếu VHDN được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp, lấy nền tảng văn hóa truyền thống thì những giá trị văn hóa ấy sẽ có thể trở thành những giá trị tích cực được chia sẻ rộng rãi trong doanh nghiệp, có ý nghĩa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tinh thần làm việc của nhân viên. Tuy nhiên, ngược lại, nếu VHDN không theo kịp trình độ phát triển của doanh nghiệp thì VHDN sẽ không có tác động tích cực nếu không nói là có thể tác động tiêu cực tới sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu VHDN không phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc, những giá trị VHKD cần được giữ gìn của quốc gia, thì trước sau khi VHDN ấy cũng bị đào thải, trở thành yếu tố kìm hãm doanh nghiệp. Ngay từ năm 1943, khi chưa giành được chính quyền, trong "Đề cương văn hóa", Đảng ta đã chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam "dân tộc, khoa học, đại chúng". Quán triệt tinh thần ấy, các nghị quyết của Đảng sau này về văn hóa văn nghệ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và sau này được khẳng định lại trong Nghị quyết Trung ương 10 (khóa IX) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã xác định phát triển văn hóa là một trong ba nhiệm vụ quan trọng được tiến hành đồng thời trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: "Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội".