Thuận lợi thứ nhất là, khu vực Đông Á đều chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Nho giáo, với truyền thống coi trọng giáo dục, coi trọng nền tảng gia đình vững chắc, coi con người là vốn quý nhất v.v; sự thống nhất trong nhận thức của tất cả các giới liên quan trong xã hội về vai trò quyết định của yếu tố con người đã tạo ra một sự ưu tiên cao nhất cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Thuận lợi thứ hai là, con người Việt Nam cũng như ở các nước Đông Á khác đều có những quan điểm và đức tính rất cần thiết cho quá trình giáo dục và đào tạo như sự tôn vinh và coi trọng việc học tập, sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, cầu tiến v.v; những quan điểm và đức tính này, một mặt là sự kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, mặt khác là xuất phát từ hoàn cảnh thực tế đầy khó khăn khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển, khiến cho con người Đông Á luôn khắc ghi một điều là phải vươn lên, phải làm việc cật lực mới có cơ hội phát triển.
Thuận lợi thứ ba là, các nước trong khu vực thời kỳ đầu công nghiệp hóa và Việt nam hiện nay đều có cơ cấu dân số tương đối trẻ. Điều này tạo thuận lợi cho quá trình học tập và đào tạo, tiếp thu kiến thức một cách năng động sáng tạo, sớm đưa đất nước hòa nhập vào quỹ đạo phát triển của nền kinh tế hiện đại.
Những khác biệt:
Những khác biệt trong bối cảnh phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam hiện nay với các nước Đông Á trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, bao gồm: Thứ nhất, áp lực và thách thức đối với phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay là cao hơn; thứ hai, Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi hơn trong việc phát triển nguồn nhân lực; thứ ba, việc đáp ứng nguồn nhân lực cho quá trình phát triển ở Việt Nam hiện nay cũng phức tạp hơn.
Áp lực và thách thức lớn hơn đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân: thứ nhất, Việt Nam có phần tụt hậu hơn so với một số nước trong khu vực; thứ hai, toàn thế giới đã sự nhận thức về phát triển nguồn nhân lực đã cao hơn trước; thứ ba, do nền công nghệ và tri thức trên thế giới hiện nay đã cao hơn nhiều so với cách đây hơn ba thập kỷ.
Sự tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực là một áp lực rất lớn đối với Việt Nam; do vậy, Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển tăng tốc trong thế kỷ XXI. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang tập trung ưu tiên cho chiến lược này nên đã gây ra những khó khăn rất lớn trong cạnh tranh để phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Như vậy, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay không chỉ do các yếu tố chủ quan bên trong như đói nghèo, kém phát triển ….mà còn do áp lực từ bên ngoài của trào lưu phát triển nguồn nhân lực nói chung trên thế giới.