Shopping Cart 0 items - $0.00 0

Nền giáo dục Nhật Bản

Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên, chỉ trừ một thứ, đó là con người. Hệ thống giáo dục được xem như chìa khoá làm cho nền kinh tế tăng trưởng và ổn định về mặt chính trị. Việc đầu tư cho giáo dục có ý nghĩa lớn đối với đất nước. Nhà nước đã nỗ lực để tạo lập ra một hệ thống giáo dục có thể đào tạo lực lượng lao động có hiệu quả cao, đưa đất nước tiến tới hiện đại hoá. Ở cấp độ cá nhân, người lao động Nhật Bản ngày nay được đánh giá chủ yếu dựa vào học vấn chứ không phải địa vị gia đình, địa vị xã hội hay thu nhập. Hệ thống giáo dục được phân thành 5 giai đoạn: Vườn trẻ (từ 1 đến 3 năm), tiểu học (6 năm), trung học bậc thấp (3 năm), trung học bậc cao (3 năm) và đại học (thông thường là 4 năm).

Ngoài ra còn có các trường cao đẳng với các khoá học 2 hoặc 3 năm. Nhiều trường đại học còn mở các khoá nâng cao sau đại học. Giáo dục phổ cập miễn phí cho tất cả trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Tuy vậy, tuyệt đại đa số học sinh học hết các trường trung học bậc thấp đều tiếp tục học lên, và trong thực tế các trường trung học bậc cao hiện đã trở thành bộ phận cơ bản trong hệ thống giáo dục trẻ em. Trình độ học vấn là một nhân tố quan trọng trong chế độ thuê người làm việc suốt đời của Nhật Bản. Để có được một việc làm trong công ty hàng đầu cần phải tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu, và để đạt được điều đó thì lại phải tốt nghiệp các trường trung học bậc cao và bậc thấp hàng đầu. Do sự cạnh tranh quyết liệt trong các kỳ thi vào trường, nên ngày càng có nhiều sinh viên theo học các trường "luyện thi" tư nhân. Những trường này được lập ra để dạy thêm và nâng cao giúp các học sinh thi vào được các trường mà họ chọn, hiện có ở tất cả các cấp học từ nhà trẻ cho đến các kỳ thi vào trường đại học.